Các thực phẩm đô thị chính là sản phẩm của công nghiệp đồ ăn đóng gói sẵn, vốn không thể thiếu với người sống ở các thành phố bận rộn. Nhà sản xuất thường thêm các thành phần nhân tạo vào với mong muốn sẽ cung cấp nhiều dưỡng chất nhất cho người dùng.
Thực phẩm được làm giàu dinh dưỡng - enriched food, là các dưỡng chất vốn có trong thực phẩm bị mất đi do quá trình chế biến sẽ được bù lại (vitamin C được thêm vào nước ép trái cây cho đủ lượng).
Thực phẩm được gia tăng dinh dưỡng - fortified food, là các dưỡng chất vốn không có sẵn trong thực phẩm sẽ được bổ sung thêm vào (đôi khi canxi được thêm vào nước cam; rất nhiều vitamin và khoáng chất được thêm vào ngũ cốc để làm tăng giá trị dinh dưỡng).
Chúng ta luôn phải có các thành phần tươi sống và tự nhiên có trong thực đơn hàng ngày, để đảm bảo một sức khỏe ổn định.
Nhiều loại vitamin trong thực phẩm dễ bị hao hụt bởi thời gian tồn trữ lâu, quá trình chế biến và đun nấu ở nhiệt độ cao.
Trái cây và rau củ chứa hàm lượng dưỡng chất cao nhất khi chúng vừa được thu hoạch vào lúc vừa chín tới. Nên hạn chế thu hoạch quá sớm hoặc để tới khi chín rục. Hãy ăn ngay, càng sớm càng tốt.
Đông lạnh là một phương pháp tốt để bảo quản nông sản, vì chúng thường được hái ở thời điểm tươi ngon nhất, được cấp đông và được bảo quản ở nhiệt độ thấp để giữ lại các dưỡng chất.
Hãy bảo quản thức ăn đúng cách để không làm mất đi chất dinh dưỡng. Nơi mát mẻ, không có ánh nắng trực tiếp chiếu vào là tốt nhất bởi vì vitamin dễ bị hao hụt ở nhiệt độ cao và một số vitamin tan trong nước (như C, B2) rất nhạy cảm với ánh sáng.
Việc đun nấu cũng làm mất vitamin trong thức ăn. Nhiều loại vitamin tan trong nước bị mất đi do nhiệt độ. Vì vậy, tốt nhất là nên giảm thiểu thời gian nấu nướng. Tránh luộc rau củ với nhiều nước do vitamin sẽ tan hết vào trong nước. Thay vì luộc, hãy hấp chín hoặc cho rau củ vào lò vi sóng với một ít nước để giữ được dưỡng chất ở mức tối đa.