VITAMIN A

Vitamin A là một vi chất dinh dưỡng thiết yếu mà cơ thể người không thể tự tổng hợp, vì vậy vi chất này cần phải được hấp thụ qua các chế độ ăn. Vitamin A có vai trò rất quan trọng đối với thị giác (đặc biệt là vào ban đêm), sự phát triển xương, sự sinh sản và sức khỏe của làn da, cũng như các màng nhầy (lớp tiết chất nhầy nằm ở một số khu vực của cơ thể, như ống thở). 


Vitamin A cũng hoạt động như là một chất chống oxy hóa, giúp giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư. Vitamin A tan trong dầu.




Có hai dạng vitamin A:

- Dạng năng động: có thể đáp ứng nhu cầu của cơ thể ngay tức thì, được lấy từ thực phẩm có nguồn gốc động vật. Dạng chính vitamin A này được gọi là retinol (rượu), nhưng cũng có thể tồn tại dưới dạng aldehyde là retinal, hay dạng axit là axit retinoic.

- Tiền chất vitamin: dạng vitamin A này cần được cơ thể chuyển thành dạng năng động, có nhiều trong rau lá có màu xanh thẫm, quả màu vàng/đỏ/da cam hoặc nhóm sắc tố carotenoid, gồm ba loại là α, β, γ. Phổ biến nhất trong nhóm này là beta-carotene. 


Vitamin A được tính bằng đơn vị microgam (mcg), biểu diễn bằng các đơn vị quốc tế (IU) cũng như bằng đơn vị RE (Retinol Equivalent - đương lượng Retinol). 1 IU = 0,3 microgam Retinol. 1 mcg RE tương đương với 1 mcg retinol hoặc 6mcg beta-carotene. Khi tính hàm lượng vitamin A trong khẩu phần, nên tách rời phần vitamin A, phần beta-carotene và sử dụng hệ số chuyển đổi nói trên để tính ra lượng retinol thật sự.


Trong đường ruột, vitamin E bảo vệ vitamin A không bị biến đổi về mặt hóa học. Vitamin A là vitamin tan trong chất béo và có thể được dự trữ trong cơ thể. Hầu hết vitamin A mà chúng ta hấp thu vào đều được dự trữ trong gan. Khi một bộ phận nào đó của cơ thể cần đến thì gan sẽ tiết ra một ít vitamin A, truyền theo máu đến các tế bào và các mô.


BỆNH DO THIẾU VITAMIN A

Ở nhiều nước đang phát triển, tình trạng thiếu vitamin A là khá phổ biến. Phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh là hai đối tượng thường chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Ở các nước phương Tây, tình trạng thiếu vitamin là rất hiếm, nhưng có thể xảy ra đối với những người lạm dụng rượu hoặc những người mắc các chứng bệnh mãn tính làm ảnh hưởng đến khả năng hấp thu chất béo, như bệnh xơ hóa nang (cystic fibrosis) hoặc bệnh Crohn.


Một biểu hiện phổ biến của tình trạng thiếu vitamin A nghiêm trọng là chứng khô mắt. Khi mắc bệnh, giác mạc sẽ bị cứng đi. Chứng bệnh này có thể tiến triển thành bệnh quáng gà, loét giác mạc và mù lòa vĩnh viễn.


Các dấu hiệu và triệu chứng khác bao gồm: trẻ chậm lớn, vết thương lâu lành, những nốt phát ban khô và sần sùi trên da – chứng tăng sừng hóa nang (follicular hyperkeratosis). Thiếu vitamin A còn ảnh hưởng đến sức khỏe làn da và hoạt động của các màng nhầy trong cơ thể.


THỪA VITAMIN A GÂY BỆNH GÌ?

Vitamin A có thể tích trữ trong cơ thể. Nếu sử dụng vitamin A với lượng lớn, hằng ngày kéo dài thì người dùng có thể gặp phải những triệu chứng ngộ độc mãn tính như:

- Đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi.

- Da phát ban đỏ, khô và bong vảy.

- Môi khô và nứt, rụng tóc, tăng calci máu, tăng lipid máu, hạch bạch huyết sưng to, vô kinh,...

- Viêm niêm mạc miệng, đau các xương.

- Trẻ nhỏ có thể bị tăng áp lực nội sọ, thóp phồng, đau đầu, co giật,...

- Trẻ thường bị vàng da ở lòng bàn tay, lòng bàn chân.

- Trẻ bị kìm hãm sự phát triển của xương nên chậm lớn, chậm tăng cân.

- Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu dùng vitamin A liều cao kéo dài có thể gây dị dạng thai nhi (hở hàm ếch, dị dạng tim mạch, cơ, xương, hệ thần kinh trung ương,…).

Các triệu chứng ngộ độc nói trên chỉ xảy ra với dạng tạo thành trước (retinol) của vitamin A (chẳng hạn từ gan), còn các dạng carotenoit (như beta-carotene trong cà rốt) không gây ra các triệu chứng như vậy.

 

Thừa vitamin A phải làm sao? Những người bị vàng da do thừa beta-carotene chỉ cần ngừng bổ sung thực phẩm giàu vitamin A là da sẽ hết vàng, không gặp sự cố nguy hiểm. Bên cạnh đó, cần chú ý không nên lạm dụng vitamin A mà cần sử dụng loại vitamin này theo chỉ dẫn của bác sĩ.


BAO NHIÊU VITAMIN A LÀ ĐỦ?

Nhu cầu Vitamin A theo từng đối tượng như sau:

- Uống bổ sung Vitamin A cho trẻ nhỏ từ 6 - 59 tháng tuổi : Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra khuyến cáo rằng tất cả các trẻ nhỏ từ 6 - 59 tháng tuổi cần được bổ sung Vitamin A nếu như việc thiếu hụt Vitamin A là một vấn đề sức khỏe cộng đồng nơi trẻ nhỏ đang ở.


- Uống bổ sung Vitamin A cho trẻ nhỏ từ 1 - 5 tháng tuổi: Tổ chức Y tế Thế giới chưa đưa ra khuyến cáo về việc bổ sung Vitamin A cho trẻ nhỏ từ 1 - 5 tháng tuổi. Trong 6 tháng đầu sau khi sinh, phụ nữ nên cho con bú sữa mẹ để đảm bảo sự tăng trưởng, phát triển và sức khỏe tối ưu.


Uống bổ sung Vitamin A cho phụ nữ đang mang thai: Mặc dù phụ nữ đang mang thai có thể có nguy cơ thiếu hụt Vitamin A tuy nhiên việc uống bổ sung Vitamin A là điều không nên làm do hàm lượng Vitamin A cao trong các loại thuốc uống bổ sung có thể ảnh hưởng xấu đến thai nhi. Phụ nữ đang mang thai nên bổ sung Vitamin A qua chế độ ăn của mình. Tuy nhiên, ở những khu vực việc thiếu hụt Vitamin A là một vấn đề sức khỏe cộng đồng, phụ nữ mang thai có thể uống bổ sung Vitamin A nhưng ở liều thấp. 



* Chú ý quan trọng: nên dùng vitamin A hợp lý và theo chỉ dẫn của thầy thuốc, không được lạm dụng vì có thể gây hại đến sức khỏe của bạn.


Đăng nhận xét

0 Nhận xét
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.

buttons=(Accept !) days=(20)

Our website uses cookies to enhance your experience. Learn More
Accept !