Axit Pantothenic còn được gọi là vitamin B5, giúp cơ thể phân giải protein, các phân tử axit amin, chất béo và carbohydrate để sản sinh năng lượng. Nó cũng cần thiết cho sự tổng hợp vitamin B12, hình thành và màng tế bào.
Axit Pantothenic thường được sử dụng kết hợp với các vitamin B khác, chẳng hạn như vitamin B1, vitamin B2, vitamin B3, vitamin B6, vitamin B12 và axit folic.
TÁC DỤNG CỦA VITAMIN B5 VỚI SỨC KHỎE
Vitamin B5 rất quan trọng đối với cơ thể, đóng vai trong chính trong việc sử dụng đúng carbohydrate, protein và lipid, giúp làn da khỏe mạnh.
Vitamin B5 giúp da, tóc và mắt khỏe mạnh; duy trì chức năng hoạt động của hệ thần kinh, gan và đường tiêu hóa; tạo ra các tế bào hồng cầu, mang oxy đi khắp cơ thể; cũng như hỗ trợ các hormone ở tuyến thượng thận.
- Cải thiện sức khỏe tim mạch: Axit pantothenic có tác dụng tổng hợp cholesterol, giúp kiểm soát cholesterol, ngăn ngừa tình trạng tích tụ mảng bám và có những tác động tích cực đến sức khỏe tim mạch.
- Chuyển hóa thức ăn thành năng lượng: nhóm vitamin B nói chung có tác dụng giúp cơ thể chuyển hóa carbohydrate thành glucose, phân hủy glucose tạo năng lượng bằng cách tổng hợp coenzym-A (CoA). B5 cũng giúp tổng hợp, chuyển hóa chất béo và protein của cơ thể.
- Hỗ trợ chức năng hệ thần kinh: Vitamin B5 hỗ trợ hệ thần kinh tạo ra acetylcholine, đây chính là cầu nối kết nối hệ thần kinh với những cơ quan khác trong cơ thể, phát tín hiệu đến hệ thống miễn dịch, đến tim, phổi,...
- Cải thiện tâm trạng: Vitamin B5 cũng giúp chúng ta thúc đẩy quá trình trao đổi chất, giảm bớt lo âu, mệt mỏi, phòng ngừa những nguy cơ về bệnh thần kinh hoặc suy giảm trí nhớ.
- Giúp chữa lành vết thương: Vitamin B5 làm chậm lại quá trình lão hóa, đẩy mạnh quá trình chữa lành vết thương nhờ cơ chế kiểm soát sự cải thiện chức năng tế bào.
- Giảm các triệu chứng viêm khớp: Người bị viêm khớp dạng thấp có nồng độ vitamin B5 trong máu thấp hơn so với người khỏe mạnh. Vitamin B5 cũng giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp.
- Tăng cường hệ miễn dịch: Vitamin B5 giúp cơ thể tạo ra kháng thể miễn dịch, chống lại những tác nhân có thể gây hại đến sức khỏe như virus, vi khuẩn hay các loại ký sinh trùng,…
- Giúp bạn có một làn da khỏe đẹp: Vitamin B5 làm chậm lại sự xuất hiện của lão hóa sớm như sự đổi màu của da, các nếp nhăn, tàn nhang; giúp làn da của bạn loại bỏ được những nốt mụn trứng cá, mang đến làn da trẻ trung, khỏe đẹp.
Bên cạnh đó, vitamin B5 cũng có một tác dụng rất hữu ích trong sự phát triển của nang tóc - mái tóc của bạn sẽ được bảo vệ tốt, giúp ngăn ngừa rụng tóc trong quá trình lão hóa.
BỆNH DO THIẾU VITAMIN B5
Bởi vì vitamin B5 được cơ thể tạo ra nên ít xảy ra trường hợp bị thiếu vitamin này. Chứng viêm thần kinh ở những người lạm dụng rượu có thể là do thiếu vitamin B5. Tuy nhiên, cần có thêm bằng chứng để khẳng định điều này.
Các triệu chứng thiếu vitamin B5 có thể là: đau bao tử, chuột rút, mệt mỏi. Các triệu chứng này cũng có thể xuất hiện khi bị thiếu các vitamin nhóm B nói chung.
- Giảm mức năng lượng dẫn đến các cảm giác khó chịu, trầm cảm, thờ ơ và mệt mỏi quá mức; các triệu chứng về rối loạn thần kinh như dị cảm (hội chứng bàn chân nóng rát), chuột rút, cảm giác nóng ran và tê ở bàn tay, mệt tim.
- Hạ đường máu; Nồng độ Kali trong máu thấp.
- Nhiễm trùng đường hô hấp trên.
- Buồn nôn; Co rút cơ bụng.
- Ngưng thở khi ngủ.
- Cơ thể thường xuyên bị nhiễm trùng do hệ miễn dịch suy giảm.
Các triệu chứng nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới các bệnh làm suy giảm sức lực như bệnh não gan hay bệnh suy tuyến thượng thận.
Vitamin B5 được tìm thấy rất nhiều trong nguồn thực phẩm từ cả động vật và thực vật.
- Thịt: Thịt lợn, thịt gà, vịt gà tây, thịt bò và đặc biệt là các cơ quan động vật như gan và thận. Trong đó, gan bò là một trong những nguồn axit pantothenic phong phú nhất, chúng nhiều hơn cả phần thịt bò nạc và thịt bò xay. Bên cạnh đó, thịt gà và thịt heo không chỉ cung cấp vitamin B, mà còn là nguồn dồi dào các vitamin B khác, chẳng hạn như niacin và vitamin B6.
- Cá: Nguồn cung cấp vitamin B5 phổ biến là cá hồi, tôm hùm và hải sản có vỏ. Cá hồi là một lựa chọn rất tốt vì có hàm lượng thủy ngân thấp, nhưng lại chứa rất nhiều axit pantothenic, đồng thời là một nguồn axit béo omega-3 và các khoáng chất khác nhau. Nhiều loại cá khác cũng chứa vitamin B5, chẳng hạn như cá ngừ vây xanh - ngoài axit béo omega-3 và vitamin B6, loài cá này cũng rất giàu các khoáng chất quan trọng như selen và kali.
- Ngũ cốc: Bánh mì ngũ cốc nguyên hạt và ngũ cốc ăn sáng. Ngũ cốc nguyên hạt là một nguồn vitamin B5 tốt, nhưng nếu đã tinh chế thì việc xay xát sẽ làm loại bỏ tới 75% hàm lượng B5.
- Các sản phẩm từ sữa: Sữa là một loại thực phẩm rất bổ dưỡng vì giàu protein, vitamin và khoáng chất. Hơn nữa, sữa cũng có nhiều canxi, phốt pho và vitamin A và vitamin D. Sữa chua là một sản phẩm sữa có nhiều vitamin B5, cũng như vitamin B12 và riboflavin. Trong khi đó phô mai cũng chứa axit pantothenic, nhưng với lượng thấp hơn so với các sản phẩm sữa khác.
- Các loại đậu: Đậu lăng, đậu Hà Lan và đậu nành. Trong số các thực phẩm chứa vitamin B5, đậu Hà Lan là một lựa chọn tuyệt vời vì cũng rất giàu protein và chất xơ. Ngoài ra, chúng cũng cung cấp thêm nhiều mangan, folate và vitamin A và K.
- Rau củ: Bao gồm nấm, bơ, bông cải xanh, khoai lang, khoai tây, ngô, súp lơ, cải xoăn, bắp cải và cà chua. Bông cải xanh là một loại rau tốt cho sức khỏe, chứa ít calo nhưng rất giàu khoáng chất và vitamin, như mangan, kali, folate và vitamin B5, A, C và K. Ngoài ít cholesterol, cà chua xay nhuyễn còn là một nguồn cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất tốt.
- Trái cây: Ổi chứa nhiều vitamin và khoáng chất như vitamin B5, C, A và folate, kali và đồng. Lựu không chỉ giàu vitamin C, mà còn cung cấp axit pantothenic, vitamin K, folate và thiamine. Bưởi rất giàu vitamin C cũng như axit pantothenic. Chuối rất giàu vitamin B5, C, B6 và chất xơ. Quả mâm xôi có nhiều vitamin C và mangan, vitamin B5.
Các nguồn vitamin B5 khác: Nấm men bia, hạt hướng dương, mầm lúa mì, sữa ong chúa, và yến mạch. Đậu phộng cũng rất bổ dưỡng nhờ hàm lượng khoáng chất và vitamin cao, trong đó có vitamin B5, niacin, folate và vitamin E.
Mặc dù axit pantothenic có sẵn trong nhiều loại thực phẩm, nhưng cũng dễ bị mất trong quá trình chế biến, chẳng hạn như đóng hộp, đông lạnh và xay xát các loại ngũ cốc. Để đảm bảo nhận đủ lượng vitamin cần thiết, thực phẩm nên tránh tinh chế hoặc chế biến tối thiểu. Giống như tất cả các vitamin tan trong nước khác, vitamin B5 cũng bị mất khi món ăn được đun sôi lâu.