Cholesterol là một chất giống như sáp ở trong máu, nói một cách đơn giản là mỡ máu. Cholesterol là thành tố chính yếu của vách tế bào; cũng cần cho việc sản sinh các nội tiết tố, như nội tiết tố sinh dục estrogen và testosterone.
Cholesterol hiện diện với mật độ rất cao trong các tế bào. Chất này có vai trò rất quan trọng là bảo vệ não và hệ thần kinh. Vì vậy, chúng ta không cần giới hạn lượng cholesterol ăn vào đối với trẻ em dưới hai tuổi, đối tượng mà não bộ và hệ thần kinh vẫn đang tiếp tục phát triển.
Cholesterol cũng cần thiết cho việc tạo ra axit mật (hỗ trợ cho sự hấp thu chất béo từ thức ăn) và cần cho quá trình sản sinh vitamin D ở da.
Khoảng 75% cholesterol trong máu được sản xuất ở gan và các cơ quan khác trong cơ thể, phần còn lại là từ thức ăn. Các loại thực phẩm có chứa cholesterol đều là các loại thức ăn có nguồn gốc từ động vật như thịt, sữa, lòng đỏ trứng, phù tạng động vật,…
Khi hàm lượng Cholesterol trong máu trở nên dư thừa sẽ hình thành những khối mỡ trong động mạch, khiến diện tích động mạch bị thu hẹp lại, cản trở sự lưu thông máu và dần dần dẫn đến nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.
Lượng cholesterol trong máu cao có thể có nguyên nhân từ di truyền, hoặc do ảnh hưởng của chế độ ăn uống, đặc biệt là chế độ ăn uống chứa nhiều cholesterol, chất béo toàn phần (total fat, bao gồm cả PUFA, MUFA, SFA và trans fat) và chất béo bão hòa. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chế độ ăn uống chứa nhiều chất béo bão hòa có ảnh hưởng đến hàm lượng cholesterol và đe dọa cho sức khỏe nhiều hơn so với chế độ ăn uống chỉ chứa cholesterol.
Cholesterol có 2 loại chính dựa trên protein kết hợp với cholesterol để cùng vận chuyển trong máu: LDL Cholesterol và HDL Cholesterol; ngoài ra còn có Lp(a) Cholesterol, một biến thể của LDL Cholesterol.