Bạn có biết: trong một bữa ăn uống, có hàng chục bộ phận cơ thể phải tham gia vào hàng trăm hoạt động tiêu hóa, hấp thụ, kéo dài ít nhất 3 giờ đồng hồ sau khi chúng ta kết thúc bữa ăn đấy. Chúng ta cùng nhau ôn lại cấu trúc hệ tiêu hóa - hệ cơ quan quan trọng chuyển thực phẩm thành nguồn sống cho cơ thể.
1. Miệng: quá trình tiêu hóa bắt đầu tại đây. Thức ăn được nghiền nhỏ nhờ hoạt động kết hợp giữa răng, lưỡi và cơ hàm.
2. Nắp thanh quản: mảnh xương sụn này đóng kín khí quản lại khi ta nuốt thức ăn.
3. Thực quản: thức ăn được đẩy từ cổ họng xuống dạ dày thông qua nhu động của thực quản.
4. Túi mật: là cơ quan chứa mật do gan tiết ra và phóng thích mật vào ruột non để giúp tiêu hóa thức ăn.
5. Tuyến tụy: tiết men tiêu hóa vào ruột non.
6. Trực tràng: phân được giữ tại đây trước khi được thải ra khỏi cơ thể.
7. Dạ dày: thức ăn lưu lại trong dạ dày khoảng 5 giờ để được bóp nát và hòa lẫn với dịch vị. Trong dịch vị có chứa axit giúp tiêu diệt vi khuẩn trong thức ăn và các enzyme (*) giúp chuyển hóa protein thành các axit amin. Hỗn hợp chất lỏng sau quá trình này, gọi là dưỡng trấp, được chuyển xuống ruột non.
8. Tuyến nước bọt: men amylase trong nước bọt làm ẩm thức ăn và giúp phân giải tinh bột.
9. Gan: gan tiết ra gần 1 lít dịch mật mỗi ngày và là cơ quan dự trữ các vitamin A, D, E, K.
Ruột non: ruột non là một ống dài gồm có tá tràng, hỗng tràng và hồi tràng. Tại đây, thức ăn được hòa trộn với nhiều dịch tiêu hóa nữa. Các chất dinh dưỡng, bao gồm vitamin và khoáng chất, được hấp thu vào máu.
10. Ruột già: trong ruột già có chứa nhiều vi khuẩn đường ruột giúp tiếp tục tiêu hóa các dưỡng chất còn lại trong thức ăn. Nước và các dưỡng chất do vi khuẩn phân giải được hấp thu vào máu.